Bệnh béo phì: Nguyên nhân – Cách xử lý
Hiện nay bệnh béo phì đang tǎng lên với tốc độ báo động không những ở các quốc gia phát triển mà ở cả các quốc gia đang phát triển. Béo phì không chỉ ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, gây mất tự tin mà đáng ngại hơn, béo phì liên quan mật thiết với một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch,..
Nội dung bài viêt
1. Thế nào là béo phì?
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, gây ra chứng rối loạn phức tạp. Tình trạng này ảnh hưởng đến vóc dáng, tiềm tàng nguy cơ bệnh tật nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2. Phân độ béo phì như thế nào?
Để phân độ béo phì, có thể kể đến một vài phương pháp như: đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng cơ thể, tính chỉ số BMI. Tuy nhiên chỉ số BMI (body mass index) vẫn là phương pháp phổ biến nhất.
Chỉ số BMI giúp nhận định tình trạng cơ thể là gầy hay béo
Cách tính BMI cụ thể như sau:
BMI = Cân nặng (kg)/(Chiều cao)²(m)
Theo phân loại của tổ chức Y tế thế giới WHO, người trưởng thành phân loại tình trạng dinh dưỡng như sau:
Bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng theo BMI của WHO | ||
Phân loại | BMI(kg/m2) | |
Châu Á | Thế giới | |
Thiếu cân | <18.5 | ≤18.5 |
Bình thường | 18.5- 22.9 | 18.5-24.9 |
Thừa cân | ≥23 | ≥25 |
Tiền béo phì | 23-24.9 | 25-39.9 |
Béo phì độ I | 25-29.9 | 30-34.9 |
Béo phì độ II | ≥30 | 35-39.9 |
Béo phì độ III | ≥40 |
3. Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì
3.1. Do chế độ ăn uống không phù hợp
Chế độ ăn uống là nguyên nhân chính gây béo phì và là yếu tố hàng đầu tác động đến trọng lượng cơ thể. Trong đó thói quen ăn uống hàng là nguồn gốc của các yếu tố nguy cơ bệnh.
Giới trẻ ngày nay yêu thích sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như thức ăn nhanh, đồ chiên rán do ưu điểm là nhanh, tiện lợi và dễ ăn. Tuy nhiên các thực phẩm trên tiềm ẩn nguy cơ gây béo phì do mật độ năng lượng trong thực phẩm cao, dễ dẫn tới thừa và tích tụ năng lượng dưới dạng mỡ trong cơ thể.
Chế độ ăn nhiều đường khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Những thực phẩm này rất dễ tăng cân do thay đổi hoạt động của hoocmon, thúc đẩy sự phát triển của mô mỡ và gây tăng cân. Một số thực phẩm chứa đường được sử dụng nhiều hiện nay như: bánh ngọt, trà sữa,…
Những thực phẩm trên có thể kích thích vị giác và khiến nhiều người không thể kiềm chế sự thèm ăn và ăn rất nhiều. Hậu quả khiến bạn mất kiểm soát và rối loại ăn uống.
3.2. Do ít vận động
Một trong những nguyên nhân gây béo phì là lười vận động
Lười vận động cũng là nguyên nhân gây béo phì. Cơ thể dung nạp thức ăn và tạo ra năng lượng trong quá trình trao đổi chất. Con người sử dụng năng lượng thông qua tập thể dục và các hoạt động thường ngày của cơ thể.
Tuy nhiên nếu năng lượng này không sử dụng hết nó sẽ hình thành mỡ dưới dạng mỡ thừa, tích tụ lại cơ thể gây béo phì. Chính vì thế, những người lười vận động có nguy cơ rất cao đối với thừa cân, béo phì, đặc biệt ở vùng mông, đùi, bụng.
3.3. Do cơ địa, yếu tố di truyền
Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 400 gen khác nhau có liên quan tới thừa cân và béo phì, mặc dù chỉ một số ít trong số đó có tầm ảnh hưởng đáng kể. Gene gây ra béo phì theo nhiều cách như: ảnh hưởng đến khẩu vị, cảm giác no, quá trình chuyển hoá, cảm giác thèm ăn, sự phân phối tỷ lệ mỡ trong cơ thể và có khuynh hướng ăn để giải tỏa căng thẳng.
Do vậy nhiều người mắc bệnh béo phì do yếu tố di truyền, nghĩa là bố mẹ, anh chị em hoặc ông bà bị béo phì thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên tính trạng này không biểu hiện hoàn toàn, nghĩa là kể cả hai bố mẹ đều béo phì thì con sinh ra không chắc chắn gặp phải tình trạng này.
3.4. Do gặp phải các vấn đề về nội tiết
Một số bệnh lý gây rối loạn nội tiết và chuyển hóa như mãn kinh, hội chứng cushing, suy giáp,… sẽ kích thích tạo mô mỡ chính là một trong những nguyên nhân gây béo phì. Các mô mỡ hình thành trong cơ thể khiến cho sự gia tăng nhu cầu về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu Insulin, sự gia tăng hai chất này lại kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý rất khó điều trị.
Các biểu hiện có thể béo phì do nội tiết bao gồm không cảm thấy no sau ăn, luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, thèm ăn đồ ngọt,..
4. Cách làm giảm tình trạng béo phì
Để giảm tình trạng béo phì cần giải quyết được các nguyên nhân gây bệnh, cụ thể:
4.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Thay đổi chế độ ăn uống
Nguyên tắc là cần giảm lượng calo hấp thụ ít hơn nhu cầu sử dụng, để cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ. Một chế độ lành mạnh sẽ cung cấp với một năng lượng phù hợp. Bao gồm:
- Giảm năng lượng hấp thụ vào, mức độ này phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ luyện tập và mức cân mong muốn. Thông thường đối với người béo phì nên giảm từ 20-25 kcal/kg/ngày trong khẩu phần ăn.
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt, đặc biệt các thực phẩm giàu chất xơ; hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đường đơn thay vào đó là sử dụng các thực phẩm như sữa không đường, bánh ngọt dành cho người béo phì hay gạo lứt, khoai lang,…
- Trong chế biến thức ăn ưu tiên hấp, luộc thực phẩm để giữ lại chất dinh dưỡng tối đa, hạn chế dùng dầu mỡ.
- Uống đủ nước hàng ngày. Lượng nước một ngày của cơ thể tính theo công thức: lượng nhu cầu nước một ngày của cơ thể= 0.4x kg cân nặng.
- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa như 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ xen kẽ, mỗi bữa chỉ nên ăn ít để cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thu.
4.2. Xây dựng chế độ luyện tập, vận động phù hợp
Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý thì xây dựng chế độ luyện tập vận động phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tình trạng béo phì. Khi hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể tăng sử dụng năng lượng dự trữ ở mô mỡ, từ đó giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng. Ngoài ra, vận động sẽ giúp giảm lipid máu và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp.
Tuy nhiên việc kiểm soát cân nặng và giảm cân thông qua hoạt động thể lực phụ thuộc rất lớn vào sự nghiêm túc, tính kiên trì trong luyện tập cũng như quy trình luyện tập.
Chạy bộ giúp giảm cân và nâng cao sức khỏe
Mỗi ngày nên vận động từ 30-60 phút. Càng tập luyện đều đặn thường xuyên và lâu dài thì càng có tác động lớn. Trong quá trình luyện tập hít thở đều đặn để cơ thể có đủ lượng oxy cho cơ thể. Một số loại hình tập luyện đơn giản dễ thực hiện hàng ngày có thể áp dụng để phòng ngừa thừa cân, béo phì: chạy bộ, bơi, lắc vòng, nhảy dây…
4.3. Phát hiện và giải quyết các bệnh lý dẫn đến tình trạng béo phì
Các bệnh nhân bị béo phì do bệnh lý chủ yếu liên quan đến rối loạn nội tiết và chuyển hóa như: u vỏ thượng thận, mãn kinh, chuyển hóa đường,… kích thích tạo mô mỡ; suy giáp làm rối loạn chuyển hóa nước điện giải, làm giảm Natri và giữ nước gây tăng cân; tuỵ nội tiết làm tăng insulin gây hạ đường huyết và bệnh nhân phải ăn nhiều dẫn tới tăng cân.
Do đó khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến cơ thể cần đến bác sĩ chuyên khoa khám, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý trên. Bác sĩ sẽ đưa ra lời tư vấn và phương pháp điều trị thích hợp cho bạn đôi với từng bệnh lý.
BS Nguyễn Thị Thu Hiền