Dấu hiệu suy giảm trí nhớ và cách điều trị
Hiện nay trên toàn thế giới có 9,9 triệu người mắc chứng suy giảm trí nhớ mỗi năm, trung bình cứ 3 giây lại có một người phát hiện bệnh. Có đến 50% bệnh nhân suy giảm trí nhớ nhẹ phát triển thành sa sút trí tuệ sau 3 năm, tuy nhiên suy giảm trí nhớ giai đoạn sớm lại ít được chú ý để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Vậy dấu hiệu của suy giảm trí nhớ là gì và cách điều trị như thế nào? Bạn hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viêt
1. Dấu hiệu suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ là tình trạng suy giảm quá trình truyền thông tin và lưu trữ thông tin ở não bộ do sự suy giảm số tế bào thần kinh hoặc chất dẫn truyền thần kinh, với các dấu hiệu:
- Mất trí nhớ ngắn hạn: quên đồ dùng như ví tiền, điện thoại, chìa khóa xe; quên điều vừa nói ra; quên các sự kiện kèm ngày tháng diễn ra gần
- Ở giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân có thể bị quên mất cách gọi tên một đồ vật hay tìm từ miêu tả đồ vật đó, quên mất cách làm một công việc đã biết, gặp khó khăn khi lên kế hoạch thực hiện các công việc thường ngày, quên đường về nhà, quên mất người quen hay đồ vật quen, hay hỏi đi hỏi lại cùng một nội dung, giảm khả năng phán đoán, giải quyết tình huống và đưa ra quyết định
- Giai đoạn trở nặng, người bệnh có thể mất phương hướng, quên đường về nhà.
2. Suy giảm trí nhớ có nguy hiểm không?
Suy giảm trí nhớ có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ
Ở giai đoạn sớm, suy giảm trí nhớ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống khiến hiệu quả công việc giảm sút, gây bất tiện trong cuộc sống. Trí nhớ giảm sút khiến khả năng tư duy và giải quyết vấn đề cũng chậm hơn, hiệu quả công việc kém hơn. Hơn nữa việc hay quên có thể gây nên các nguy hiểm tiềm tằng như mất đồ do bỏ quên, cháy nổ do quên tắt bếp, sai sót trong cuộc việc,…Ngoài ra khi người bệnh bị suy giảm trí nhớ tâm trạng thường thay đổi, dễ cáu gắt nổi nóng ảnh hưởng đến quan hệ xã hội.
Suy giảm trí nhớ là biểu hiện giai đoạn sớm ở người bị sa sút trí tuệ. Có đến 50% bệnh nhân suy giảm trí nhớ phát triển thành sa sút trí tuệ sau 3 năm. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân gây tử vong thứ bảy trong số tất cả các bệnh và là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật và phụ thuộc ở người lớn tuổi trên khắp thế giới. Suy giảm trí nhớ gây nên những tác động về cả thể chất, tâm lý, xã hội và kinh tế với người mắc bệnh, gia đình họ và cả xã hội nói chung.
3. Các biện pháp cải thiện suy giảm trí nhớ
Trước đây suy giảm trí nhớ chỉ thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay có tới 20-30% trường hợp suy giảm trí nhớ gặp ở người trẻ tuổi. Suy giảm trí nhớ ở giai đoạn sớm có thể cải thiện thông qua các biện pháp sau
3.1 Thay đổi lối sống, giải tỏa các căng thẳng
Tập thiền giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện suy giảm trí nhớ
Biện pháp đầu tiên để cải thiện suy giảm trí nhớ, đặc biệt là suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi là thay đổi lối sống, giải tỏa căng thẳng.
- Thay đổi lối sống: cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức để cơ thể có thời gian phục hồi
- Ngủ đủ giấc, tạo giấc ngủ ngon: giấc ngủ ngon giúp các tế bào thần kinh và cả cơ thể được phục hồi sau một ngày mệt mỏi. Hãy hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích để có giấc ngủ ngon.
- Giải tỏa căng thẳng: căng thẳng kéo dài khiến thần kinh mệt mỏi, khó tập trung, khó ghi nhớ, dẫn đến suy giảm trí nhớ. Bạn có thể giải tỏa căng thẳng bằng cách tham gia các câu lạc bộ, tăng cường các mối quan hệ xã hội, tập thiền, tập yoga, đi du lịch,…
3.2 Tăng cường rèn luyện trí nhớ
Trí nhớ được rèn luyện thường xuyên sẽ minh mẫn hơn. Tăng cường rèn luyện trí nhớ từ 30 phút mỗi ngày bằng cách đọc sách, hay chơi các trò chơi vận động trí não như giải ô chữ, tính nhẩm, xếp hình, chơi cờ, tập thiền,… Tham gia các câu lạc bộ, gia tăng các mối quan hệ xã hội cũng giúp bạn tăng cường trí nhớ và giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, bạn hãy ghi chú lại các thông tin cần thiết vào giấy vở hoặc điện thoại; có thể sử dụng, hình vẽ, màu sắc, thuật ngữ quen thuộc và nhẩm lại các thông tin này khi cần thiết.
3.3 Vận động thể lực điều độ
Luyện tập thể dục thể thao thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, tăng lưu lượng máu cho não, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, trí tuệ minh mẫn hơn. Điều quan trọng là bạn nên chọn môn thể dục thể thao vừa sức với cường độ hợp lý, duy trì thường xuyên để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Vận động thể lực điều độ giúp cải thiện suy giảm trí nhớ
3.4 Dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp cơ thể hạn chế bệnh tật cũng như cung cấp đủ các nguyên liệu cần thiết cho hoạt động của các tế bào của cơ thể cũng như tế bào thần kinh. Để cải thiện suy giảm trí nhớ, nên ăn tăng lượng trái cây, rau xanh và các chất chống oxy hóa, ăn chất đạm theo nhu cầu; giảm chất béo và đồ ngọt, nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin nhóm B, như B1, B6, B12 , vì chúng giúp bảo vệ tế bào thần kinh và giúp não hoạt động khỏe mạnh.
3.5. Sắp xếp công việc khoa học
Sắp xếp công việc khoa học giúp bạn dễ dàng ghi nhớ và thực hiện mọi việc trong ngày, từ đó tránh làm việc quá sức, bố trí thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý. Sắp xếp công việc khoa học cũng giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn, giảm thiểu áp lực và căng thẳng trong công việc. Bạn nên ghi chú lại những công việc, lịch trình quan trọng trong ngày, ưu tiên chúng trước, sau đó đến các công việc ít ưu tiên hơn, bố trí phương án dự phòng và thời gian nghỉ ngơi ăn uống hợp lý. Công việc nên được sắp xếp từ trước mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày.
Sắp xếp công việc khoa học giúp cải thiện suy giảm trí nhớ
Có khoảng 40% bệnh nhân suy giảm trí nhớ có thể điều trị phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy khi có dấu hiệu suy giảm trí nhớ, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục kịp thời bạn nhé. Bài viết trên đây phần nào đã trả lời cho bạn thắc mắc về dấu hiệu suy giảm trí nhớ và các biện pháp cải thiện suy giảm trí nhớ. Nếu còn thắc mắc về suy giảm trí nhớ, bạn hãy đón đọc các bài viết tiếp theo trên trang Thầy thuốc Việt Nam nhé!
DS Đỗ Thị Thủy
Xem thêm các thông tin khác trên trang thaythuocvietnam.vn