Đi ngoài ra chất nhầy màu đen là bệnh gì? – Xem ngay

Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:
Chuyên khoa:

Phân là sản phẩm của quá trình tiêu hoá thức ăn. Các đặc điểm của phân như mùi, màu sắc, kết cấu gián tiếp phản ánh tình trạng hoạt động của các cơ quan thuộc hệ tiêu hoá. Việc đi ngoài ra chất nhầy màu đen không phải là hiếm gặp. Vậy nguyên nhân gì gây ra tình trạng trên và có các biện pháp thăm dò nào để tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này. 

1. Nguyên nhân dẫn đến đi ngoài ra chất nhầy màu đen:

1.1 Do chảy máu đường tiêu hoá:

Bản chất của hiện tượng này là khi chảy máu đường tiêu hoá, dưới tác dụng của các men tiêu hoá, hồng cầu sẽ bị phân huỷ tạo ra một chất hoá học, chính chất này là nguyên nhân làm cho phân có màu đen. Khi tình trạng trên kéo dài, sẽ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có hại trong đường ruột phát triển gây nên tình trạng viêm ruột, kích thích các tế bào ở lớp niêm mạc lót mặt trong ruột già tăng tiết chất nhầy. Hậu quả là sẽ có hiện tượng đi ngoài ra chất nhầy màu đen  

Tùy theo vị trí giải phẫu của điểm chảy máu trong đường tiêu hoá mà người ta chia làm 2 loại. Là xuất huyết tiêu hoá cao và xuất huyết tiêu hoá thấp. 

Xuất huyết tiêu hoá cao có 3 nguyên nhân chủ yếu: 

– Do loét dạ dày – tá tràng

– Do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản 

– Do chảy máu đường mật.

Hình ảnh xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản quan sát qua nội soi dạ dày – tá tràng

Xuất huyết tiêu hóa thấp thường do các nguyên nhân sau: 

– Viêm ruột non, viêm đại tràng, bệnh Crohn.

– U ruột non, u đại tràng lành tính hoặc ác tính.

– Polyp đại trực tràng.

– Bệnh lý vùng hậu môn trực tràng: trĩ, nứt hậu môn, viêm niêm mạc trực tràng.

– Loạn sản mạch máu.

Hình ảnh Polyp đại tràng

1.2 Do một số thức ăn và thuốc

Khi sử dụng một số loại thực phẩm sẫm màu như: tiết canh, bánh gai, đậu đen, nếp cẩm, sô cô la, việt quất, cam thảo, thanh long ruột đỏ,… cũng có thể bắt gặp tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đen. Tuy vậy chúng không đáng lo ngại và sẽ mất đi khi bạn ngưng sử dụng một các loại thực phẩm này.

Một số thuốc khi uống cũng có thể gây ra đi ngoài phân đen, có thể kể đến là: thuốc bổ sung sắt và thuốc Bismuth:

– Thuốc bổ sung sắt: ở trẻ em thiếu sắt và phụ nữ có thai, khi uống viên bổ sung sắt, chỉ có một lượng khoảng 5-10% được hấp thu, phần còn lại sẽ bị chuyển hoá trong đường ruột khiến cho phân có màu đen. 

– Thuốc Bismuth: đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị các chứng rối loạn tiêu hoá như ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy. Nguyên nhân là do Bismuth phản ứng với H2S của vi khuẩn tạo thành Bismuth Sulfua, chính chất này tạo nên màu đen của phân.

2. Đi ngoài ra chất nhầy màu đen – lúc nào thì cần đến bệnh viện thăm khám?

Khi loại trừ việc đi ngoài ra chất nhầy màu đen do thực phẩm và thuốc, tất cả các trường hợp còn lại đều cần sự thăm khám của bác sỹ để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tính chất nguy hiểm của bệnh sẽ phụ thuộc vào mức độ đi ngoài phân đen và các triệu chứng khác kèm theo.

Các trường hợp đi ngoài ra chất nhầy màu đen cấp cứu, cần phải có sự can thiệp y tế ngay lập tức:

– Khi chảy quá nhiều máu dẫn đến tình trạng sốc mất máu. Gặp ở những bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ (nghiện rượu, xơ gan, loét dạ dày tá tràng,…). Kèm theo các triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen ồ ạt. Có sự thay đổi đột ngột của hành vi như hôn mê, mê sảng, ảo giác hoang tưởng. Mạch quay nhỏ khó bắt hoặc không bắt được.

– Thủng ổ loét dạ dày tá tràng: là sự tiến triển nặng hơn của tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng gây xuất huyết tiêu hoá. Bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội như dao đâm, bụng gồng cứng như gỗ kèm theo vã mồ hôi, chân tay lạnh. 

3. Các biện pháp thăm dò để tìm kiếm nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đen

3.1 Nội soi dạ dày – tá tràng: 

Được các chuyên gia coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tiêu hoá nói chung và tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đen nói riêng. Bác sỹ sẽ đưa một ống soi mềm qua đường miệng đi vào bên trong dạ dày tá tràng. Ống có đường kính nhỏ, được gắn camera để thu hình ảnh và chiếu trực tiếp trên màn hình. Bệnh nhân cần nhịn ăn 6 tiếng trước khi tiến hành nội soi để dạ dày được sạch thức ăn và dễ quan sát hơn.

Muốn chẩn đoán xác định bệnh cần lấy mẫu tế bào làm sinh thiết. Nếu có chỉ định, các thủ thuật can thiệp như kẹp cầm máu, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản, tiêm keo búi giãn sẽ được thực hiện ngay trong quá trình nội soi. 

Với mục đích hạn chế sự khó chịu cho bệnh nhân, hiện nay phương pháp nội soi gây mê được áp dụng rộng rãi ở những trường hợp không có chống chỉ định. Tuy vậy nội soi gây mê lại có nhược điểm là chi phí cao hơn so với nội soi thường. 

Ở bệnh nhân nghi ngờ thủng đường tiêu hóa sẽ có chống chỉ định tuyệt đối với nội soi dạ dày – tá tràng. Còn trong trường hợp mắc các bệnh lý nền như suy tim, nhồi máu cơ tim mới, xơ gan cổ trướng,… sẽ được cân nhắc cụ thể giữa lợi ích và nguy cơ để quyết định xem có tiến hành nội soi hay không.

Hình ảnh nội soi dạ dày – tá tràng

3.2 Nội soi đại tràng :

Cũng giống như trên, bác sỹ sẽ sử dụng ống nội soi để quan sát trực tiếp toàn bộ đại tràng của bệnh nhân. Đây được coi là phương pháp hiệu quả giúp tầm soát ung thư đại trực tràng và phát hiện các polyp – hai nguyên chính gây chảy máu tiêu hóa thấp. 

Vài ngày trước khi tiến hành nội soi đại tràng nên ăn các thức ăn dễ tiêu, ít chất xơ. Nếu đang sử dụng thuốc bổ sung sắt, thuốc chống đông,… thì cần ngừng thuốc trước và trong ngày nội soi. Sau khi đã sử dụng thuốc nhuận tràng để làm sạch đường tiêu hóa thì bệnh nhân sẽ không được ăn uống bất cứ thứ gì cho đến khi nội soi xong.

Cũng giống như nội soi dạ dày – tá tràng, người bệnh có thể lựa chọn nội soi đại tràng gây mê để hạn chế những khó chịu trong quá trình thực hiện.

3.3 Siêu âm ổ bụng:

Là một phương pháp thăm dò chức năng chi phí thấp, dễ thực hiện nhưng lại có vai trò lớn trong việc phát hiện các nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu đen như: các bệnh lý về gan – đường mật, tình trạng viêm ruột và một phần nào đó là phát hiện ổ loét dạ dày – tá tràng, tuy vậy trong trường hợp này vẫn cần phải nội soi để có đánh giá chính xác hơn.

3.4  Xét nghiệm máu:

Với bác sỹ, xét nghiệm máu sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Đầu tiên là giúp đánh giá mức độ thiếu máu của bệnh nhân từ đó xem xét chỉ định truyền máu, bổ sung sắt và có các phương pháp điều trị hỗ trợ thích hợp khác. Xét nghiệm máu cũng giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa. Và đặc biệt là gợi ý phát hiện các nguyên nhân gây đi ngoài ra chất nhầy màu đen do nhóm bệnh lý huyết học – đông máu, từ đó có chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán.

4. Cần phải làm gì khi đi ngoài ra chất nhầy màu đen?

Đầu tiên nên thay đổi thói quen ăn uống, nó có thể giúp cải thiện triệu chứng ở một số trường hợp nhẹ. Bạn nên uống nhiều nước; tăng chất xơ, vitamin trong khẩu phần ăn; bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua hay men tiêu hóa. Hạn chế ăn đồ ăn lạnh hoặc quá cay nóng. Không sử dụng đồ ăn tươi sống hoặc chế biến không kỹ để tránh tình trạng kích thích đường ruột, viêm ruột. 

Bệnh nhân đi ngoài ra chất nhầy màu đen cần bổ sung vitamin và chất xơ trong khẩu phần ăn

Cùng với đó khi người bệnh nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp để nâng cao sức khỏe và duy trì tinh thần thoải mái sẽ giúp giảm stress – một nguyên nhân chính gây nên tình trạng loét dạ dày tá tràng.

Nếu tình trạng diễn ra kéo dài hoặc có các triệu chứng nguy hiểm như đã nói ở phần trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có sự thăm khám và điều trị kịp thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.

BS. Nguyễn Việt Hưng

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận