Trẻ tiêu hóa kém là vì sao? Các phương pháp cải thiện cho trẻ

Trẻ tiêu hóa kém là tình trạng không hiếm gặp mà còn xuất hiện khá phổ biến. Hệ tiêu hóa kém phát triển sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Đây là một vấn đề nan giải khiến các bậc phụ huynh vô cùng đau đầu. Vậy nguyên nhân trẻ tiêu hóa kém là do đâu và cách giải quyết vấn đề này như thế nào?

1. Nguyên nhân trẻ tiêu hóa kém

1.1. Thiếu hụt enzym tiêu hóa 

Enzyme tiêu hóa hay còn gọi là men tiêu hóa là enzyme có sẵn trong cơ thể và được sản xuất bởi các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến dạ dày… Chúng đóng vai trò là chất xúc tác trong quá trình phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ và di chuyển đến các cơ quan đích.

Ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện và ổn định nên lượng enzyme tiêu hóa còn ít, việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn có thể khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ làm việc quá mức và gây nên tổn thương. Ví dụ như nếu bố mẹ cho bé ăn đồ ăn khó tiêu, thiếu chất xơ, trẻ sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng và mắc phải các rối loạn tiêu hóa khác vì cơ thể thiếu enzyme chuyển hóa.

1.2. Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa

Trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa non nớt thường rất dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa hơn người trưởng thành rất nhiều. Nhiễm khuẩn đường ruột hay các bệnh rối loạn tiêu hóa đều khiến cho hệ tiêu hóa của bé kém đi và khả năng chuyển hóa thức năng thành chất dinh dưỡng của cơ thể bị hạn chế.

1.3. Nhiễm giun, sán

Giun, sán là những sinh vật có thể sống ký sinh trong cơ thể người và động vật. Trẻ còn nhỏ sẽ có tính hiếu kỳ và thích khám phá, chưa nhận thức được việc phải bảo vệ sức khỏe của chính mình. Vì vậy, nguy cơ nhiễm giun sán là rất cao. 

Khi xâm nhập vào cơ thể bé, giun sán sẽ ký sinh tại đường ruột sinh ra các độc tố gây hại và phá hủy niêm mạc ruột dẫn đến các tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy bụng, táo bón… ở trẻ. Hậu quả sẽ khiến trẻ ăn uống kém, không dung nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tâm lý của bé.

Nhiễm giun, sán là một trong những nguyên nhân khiến trẻ tiêu hóa kém

1.4. Chế độ ăn không phù hợp

Thói quen ăn uống không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hệ tiêu hóa bị tổn thương. Thường xuyên bỏ bữa, biếng ăn hay ăn một lúc quá nhiều đều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, giảm năng suất hoạt động và khiến chất dinh dưỡng khó hấp thu vào cơ thể.

Việc trẻ ăn các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng có thể làm cho hệ tiêu hóa bị yếu đi, ví dụ như ăn đồ ăn vặt vỉa hè, đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ hay thức ăn chưa nấu chín.Việc ăn đồ không hợp vệ sinh sẽ khiến bé bị đau bụng, tiêu chảy, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa…

Ngoài ra, các món ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng khi kết hợp với nhau thì có nguy cơ xảy ra tương kỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa của trẻ. Bố mẹ nên tìm hiểu những thực phẩm có tính tương kỵ để tránh cho trẻ ăn, chẳng hạn như tỏi và cá trắm, cua và mật ong.

1.5. Những nguyên nhân khác

Việc dùng thuốc điều trị các bệnh lý mà trẻ đang mắc phải cũng góp phần làm tổn thương đến hệ tiêu hóa của bé. Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm cho trẻ biếng ăn, hạn chế hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Bên cạnh đó, việc kiêng khem quá kỹ hay không đúng cách khi đang điều trị bệnh cũng sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém ở trẻ.

2. Biểu hiện của tình trạng tiêu hóa kém ở trẻ

Hệ tiêu hóa kém là yếu tố dẫn đến quá trình tiêu thụ thức ăn không đạt hiệu quả cao. Một số dấu hiệu giúp bố mẹ nhận biết tình trạng tiêu hóa kém ở trẻ như:

  • Trẻ biếng ăn, tăng cân chậm và chiều cao kém phát triển.
  • Đại tiểu tiện phân lỏng, nhiều nước, đôi khi lổn nhổn các hạt thức ăn chưa được tiêu hóa hết hoặc đi phân sống, có mùi tanh.
  • Bé hay bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu.
  • Biểu hiện do trẻ bị thiếu vi chất: cơ thể tê phù cho thiếu vitamin B1, da nhợt nhạt, xanh xao do thiếu sắt…

Trẻ không dung nạp được chất dinh dưỡng sẽ dễ bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu

3. Trẻ tiêu hóa kém nguy hiểm như thế nào?

Trẻ tiêu hóa kém, không hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn là vấn đề đáng lo ngại. Cơ thể bé sẽ luôn rơi vào trạng thái thiếu hụt dinh dưỡng, trẻ gầy gò, ốm yếu và rất dễ mắc bệnh vặt. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và có hướng giải quyết kịp thời thì tình trạng này không gây nguy hiểm nặng nề. Nhưng bố mẹ cũng không được chủ quan vì đôi khi những biểu hiện của tiêu hóa kém ở trẻ là hồi chuông cảnh báo trẻ đang mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng khác. Vì vậy, phụ huynh cần bổ sung đầy đủ những kiến thức sức khỏe cơ bản, hiểu được tầm quan trọng của quá trình tiêu hóa đến sức khỏe của con để từ đó xây dựng một chế độ ăn khoa học, hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện hơn.

4. Các phương pháp cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ

Vậy cải thiện tình trạng tiêu hóa kém ở trẻ bằng cách nào? Các bậc phụ huynh có thể áp dụng một trong các cách dưới đây:

  • Bố mẹ cần thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo vệ sinh. Không ép bé ăn quá nhiều vì như vậy sẽ vô tình tạo áp lực lên trẻ khiến trẻ sợ hãi và lười ăn. Bố mẹ chỉ nên cho con ăn lượng thức ăn vừa đủ, thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản cùng với hàm lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. 
  • Chọn thời điểm ăn dặm phù hợp cho trẻ. Việc bổ sung ăn dặm quá sớm thường không tốt cho bé bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ con chưa thật sự hoàn thiện. Hạn chế bổ sung những dưỡng chất khó hấp thu thay vào đó tăng cường cho bé ăn nhiều thực phẩm từ rau xanh, củ, quả, trái cây… 


Bổ sung nhiều rau, củ, quả trong khẩu phần ăn giúp bé tiêu hóa tốt hơn

  • Cho trẻ sử dụng các loại men tiêu hóa, chất xơ hòa tan hoặc bổ sung thêm sữa chua trong khẩu phần ăn của con, giúp tăng cường, kích thích sự phát triển của lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hóa.
  • Tẩy giun cho trẻ trên 2 tuổi định kỳ để làm sạch hệ tiêu hóa.
  • Khuyến khích bé tăng cường vận động. Việc này sẽ giúp ruột tăng sức co bóp, trẻ ăn ngon miệng hơn, quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi và các chất dinh dưỡng cần thiết dễ dàng được hấp thu.

Nguyễn Thùy Ngân

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận