Triệu chứng viêm loét đại tràng chúng ta không nên bỏ qua

Viêm loét đại tràng là bệnh lý mãn tính liên quan đến tổn thương niêm mạc của đại tràng, nếu tình trạng kéo dài có thể gây viêm ruột. Bài viết dưới đây sẽ nêu rõ hơn các triệu chứng viêm loét đại tràng chúng ta không nên bỏ qua.

1. Viêm loét đại tràng là gì?

Đại tràng là đoạn cuối của đường tiêu hóa nối với trực tràng và còn được gọi là ruột già, có nhiệm vụ hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn và tạo bã thức ăn thành phân, khi đủ lượng đại tràng sẽ co bóp tạo nhu động và bài tiết phân qua trực tràng. Viêm loét đại tràng (tên tiếng anh là Ulcerative colitis) thuộc một trong các bệnh lý viêm ruột (IBD) là tình trạng đại tràng có các tổn thương hoặc bị viêm loét tại khu vực này. Chỗ viêm loét này tạo ra những vết nhỏ trên niêm mạc đại tràng và sau đó lan dần ra toàn bộ đại tràng.

Hình ảnh ruột ở người bình thường và người bị viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất trong độ tuổi 30-40 tuổi.

Những vết loét nhỏ nếu không được điều trị, thức ăn sẽ di chuyển xuyên qua các vết loét và tạo các lỗ hổng to hơn, dẫn đến tình trạng viêm nặng hơn và có thể chảy máu, dịch nhầy và mủ.

2. Các triệu chứng của viêm loét đại tràng

Các triệu chứng của bệnh có  nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Một số dấu hiệu điển hình của viêm loét đại tràng như:

2.1 Co thắt bụng và đau bụng

Nếu bị viêm loét đại tràng, bạn có thể gặp các cơn đau và co thăt bụng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cần phải dùng tới hỗ trợ của thuốc chống co thắt.

2.2 Mót rặn, tiêu chảy

Người bị viêm loét đại tràng thường bị mót rặn, lúc nào cũng có cảm giác buồn đi vệ sinh. Khi đại tiện thì phân lỏng, có thể có lẫn máu, dịch nhầy hoặc mủ và đi đại tiện không kiểm soát rất nhiều lần trong một ngày, có thể lên tới 10 lần khiến cơ thể bị mất nước trầm trọng.

2.3 Chảy máu và tiết dịch nhầy từ đại tràng

Viêm loét đại tràng thường gây chảy máu hoặc tiết dịch nhầy từ đại tràng. Phân trở nên rất mềm và có máu hoặc có các vệt đỏ hay chất nhầy. Bạn cũng có thể bị đau ở khu vực trực tràng, cũng như cảm giác liên tục khi cần đi đại tiện.

2.4 Thiếu máu và mệt mỏi

Do tình trạng loét kéo dài dẫn tới làm các vết loét ngày càng rộng ra gây chảy máu và mất máu, làm cơ thể mệt mỏi. Ngay cả khi không mất quá nhiều máu thì mệt mỏi cũng là biểu hiện rất phổ biến của người bị viêm loét đại tràng.

Mệt mỏi, suy nhược cũng là một biểu hiện của viêm loét đại tràng do chảy máu kéo dài.

2.5 Các triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng điển hình trên, khi bị viêm loét đại tràng, người bệnh có thể bị sốt, đau cơ, đau các khớp, mắt đỏ, đau, sốt, viêm da, lở miệng, sụt cân, … các biểu hiện tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh.

3. Bệnh viêm loét đại tràng có nguy hiểm không?

Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị triệt để sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn viêm loét đại tràng mạn tính, nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng rất cao và gây ra ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm loét đại tràng như:

Xuất huyết ồ ạt: Khi lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm nặng kèm theo sử dụng rượu bia, ăn các loại thực phẩm kém vệ sinh dẫn đến lớp lông nhung bị suy yếu. Mặt khác, nếu bệnh nhân tự mua thuốc về nhà điều trị không đúng cách có thể làm tình trạng trầm trọng hơn, dẫn đến xuất huyết chảy máu tươi ồ ạt.

Thủng đại tràng: Biến chứng này do điều trị bằng kháng sinh làm làm cho các lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt, từ đó lông nhung cũng bị trơ trọi làm cho các vét loét niêm mạc đại tràng ngày càng rộng và sâu, lâu ngày dẫn đến thủng đại tràng.

Giãn đại tràng cấp tính: Viêm loét đại tràng lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng đại tràng bị giãn, chức năng tiêu hóa giảm nghiêm trọng làm cho nguy cơ gây loét và thủng cao gấp nhiều lần.

Phình đại tràng nhiễm độc: Đây là tình trạng đại tràng phù nề, phình to và có thể bị vỡ, dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là biến chứng hiếm gặp và đặc biệt nguy hiểm (tỷ lệ tử vong 19 – 45%), có thể được điều trị bằng thuốc steroid tiêm tĩnh mạch, kháng sinh, hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ ruột nếu tình trạng quá nghiêm trọng.

Ung thư đại tràng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, tích lũy theo thời gian. Bệnh viêm loét đại tràng kéo dài càng lâu, bị tái đi tái lại nhiều lần khiến cho các tế bào biểu mô niêm mạc loạn sản, từ đó chuyển thành khối u ác tính ở đại tràng.

4. Điều trị bệnh viêm loét đại tràng như thế nào?

Mục tiêu điều trị là giúp giảm tình trạng viêm loét, giảm tiến triển bệnh thời kỳ cấp tính và duy trì tình trạng bệnh ổn định. Bác sỹ chuyển khoa có thể chỉ định dùng thuốc điều trị hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh

4.1 Điều trị bằng thuốc

Thuốc chống viêm:

5-aminosalicylat: bao gồm mesalamin, sulfasalazin, olsalazin và balsalazid. Loại thuốc và đường dùng phụ thuộc vào vị trí đoạn đài tràng bị tổn thương.

Corticoid: Có thể dùng kèm theo nếu thuốc nhóm 5-aminosalicylat không hiệu quả. Chỉ dùng loại thuốc này khi được bác sỹ chỉ định do corticoid có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như đục thủy tinh thế, yếu xương nếu dùng không đúng chỉ định và thời gian.

Thuốc ức chế miễn dịch: như như ciclosporin, tacrolimus và azathioprin.

Thuốc sinh học: tofacitinib, infliximab được khuyên dùng cho bệnh nhân viêm đại tràng vừa đến nặng nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó.

4.2 Phẫu thuật viêm loét đại tràng

Phẫu thuật viêm loét đại tràng

Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng sẽ được thực hiện khi đã gặp biến chứng và không đáp ứng với thuốc.  Tiến hành phẫu thuật cắt bộ toàn bộ đại tràng và tạo ra một con đường mới cho chất thải. Con đường này có thể được thông qua một lỗ nhỏ trên thành bụng. Chất thải sẽ thoát qua một lỗ mở vào một cái túi. Tuy nhiên, phương pháp này cũng sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý người bệnh rất nhiều.

4.3 Một vài phương pháp điều trị tự nhiên

Khi cơ thể người bệnh không đáp ứng với một số loại thuốc điều trị thì bệnh nhân có thể cân nhắc đến một số phương pháp điều trị truyền thống giúp điều trị viêm loét đại tràng như:

  • Bromelain: Enzym có trong quả dứa và có tác dụng làm giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng và giảm bùng phát.
  • Probiotic: Bổ sung thêm lợi khuẩn giúp tăng cường sức khỏe hệ vi khuẩn đường ruột.
  • Vỏ hạt mã đề: Giúp bổ sung chất xơ này có thể giúp giữ cho nhu động ruột ổn định, ngăn ngừa táo bón, giúp loại bỏ chất thải dễ dàng hơn.
  • Củ nghệ: Chứa curcumin là hoạt chất đã được chứng minh có tác dụng giảm viêm.
  • Boswellia: Loại thảo dược này được tìm thấy trong vỏ cây nhũ hương và đã được nghiên cứu cho thấy có thể ngăn chặn một số phản ứng hóa học trong cơ thể có thể gây viêm.

4.4 Điều chỉnh chế độ ăn cho người bị viêm loét đại tràng

Không có một chế độ ăn uống cụ thể nào dành riêng cho người bị viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, để duy trì ổn định và ngăn ngừa tình trạng tiến triển của bệnh, bạn có thể tham khảo một vài nguyên tắc chung sau:

  • Ăn nhiều rau quả: Một số loại rau xanh tốt cho bệnh nhân viêm loét đại tràng như rau cải, rau muống, rau ngót, … sẽ giúp nhuận tràng, giảm được cảm giác đau đớn khi đi đại tiện.

Một số loại rau củ rất tốt cho việc nhuận tràng, giảm đau đớn khi đại tiện.

  • Uống nhiều vitamin C: Có tác dụng bảo vệ ruột, giúp chữa lành hoặc phục hồi nhanh hơn sau khi viêm loét bùng phát. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông, cải bó xôi, quả mọng, mùi tây.
  • Ăn các loại quả dòng bí: Các loại bí có hàm lượng cao chất xơ như bí xanh, bí đao, bí ngô, … giúp duy trì ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, thúc đẩy quá trình làm lành các vết thương niêm mạc,
  • Ăn ít chất béo: Ăn nhiều thực phẩm ít chất béo có thể làm chậm quá trình viêm loét bùng phát. Hoặc khi ăn chất béo hãy chọn những lựa chọn lành mạnh hơn như dầu ô liu và axit béo omega-3.

Trên đây là những triệu chứng viêm loét đại tràng chúng ta không nên bỏ qua. Viêm loét đại tràng là căn bệnh vô cùng phổ biến và có thể xảy ra ở tất cả các độ tuổi khác nhau. Nếu không điều trị kịp thời sẽ người bệnh sẽ gặp nhiều rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, một khi đã gặp các triệu chứng của viêm loét đại tràng, nên đi thăm khám để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.

DS Đỗ Thị Hồng Huệ

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận