Bé bị tiêu chảy uống gì để nhanh khỏi? Cách phòng ngừa
Tiêu chảy có thể kèm theo biếng ăn, nôn mửa, giảm cân cấp tính, đau bụng, sốt, hoặc đi ngoài phân máu. Nếu tiêu chảy nặng hoặc kéo dài, có thể có mất nước. Ngay cả khi không mất nước, tiêu chảy mạn tính thường dẫn đến sụt cân hoặc không tăng cân. Đa số trường hợp được điều trị tại cộng đồng cũng rất đơn giản và hiệu quả, nếu cho trẻ uống oresol đúng phương pháp thì đa số trường hợp khỏi. Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu xem bé bị tiêu chảy uống thuốc gì để nhanh khỏi nhé!
Nội dung bài viêt
- 1. Những nguyên nhân nào khiến bé bị tiêu chảy?
- 2. Bé bị tiêu chảy uống thuốc gì?
- 2.1. Bù nước – điện giải cho trẻ
- 2.2. Khi nào bé bị tiêu chảy cần dùng kháng sinh?
- 2.3. Bổ sung kẽm, vitamin, chất khoáng cho bé bị tiêu chảy
- 2.4. Bổ sung các men vi sinh
- 2.5. Các thuốc kháng tiết đường ruột
- 2.6. Các thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa
- 2.7. Khi bé bị tiêu chảy có nên dùng thuốc cầm tiêu chảy?
- 3. Chế độ dinh dưỡng cho bé bị tiêu chảy
- 4. Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ như thế nào?
1. Những nguyên nhân nào khiến bé bị tiêu chảy?
1.1. Bé bị tiêu chảy do vi khuẩn
Nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, chẳng hạn như E. coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella… Chúng thường xâm nhập hệ tiêu hóa khiến trẻ đi ngoài phân lỏng và nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm.
1.2. Bé bị tiêu chảy do virus
Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có 4 loại tuýp huyết thanh gây bệnh. Khi bị nhiễm 1 tuýp, cơ thể chỉ đáp ứng tiêu chảy với týp đó, trẻ vẫn có thể mắc các tuýp khác. Các đợt bùng phát bệnh phổ biến hơn vào mùa đông và đầu xuân.
Một loại virus đường ruột khác cũng chờ tấn công hệ tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, đó là Enterovirus. Loài này sinh sôi quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất trong những tháng mùa hè.
Ngoài ra, các virus khác như: Adenovirus, Enterovirus, Astrovirus, Norwalk virus cũng gây tiêu chảy.
1.3. Bé bị tiêu chảy do ký sinh trùng
Các loại ký sinh trùng được xem là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em bao gồm giardiasis và cryptosporidiosis… Chúng có thể xâm nhập vào ruột non làm teo nhung mao ruột gây tiêu chảy kém hấp thu hoặc tạo ra những ổ áp xe nhỏ và loét ở đại tràng. Trong đó, Cryptosporidium gây tiêu chảy thường nặng và kéo dài.
1.4. Bé bị tiêu chảy do dị ứng
Gần như bất kỳ thực phẩm hoặc phụ gia thực phẩm nào có thể gây ra phản ứng dị ứng. Nhưng các yếu tố gây nên thông thường nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là: sữa, đậu nành, trứng, đậu phộng và lúa mì. Dị ứng thức ăn có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
Dị ứng thực phẩm như trứng, sữa, lúa mì,…gây tiêu chảy ở trẻ
Xem thêm: Bị tiêu chảy uống thuốc gì? Smecta giải pháp trị tiêu chảy hiệu quả
2. Bé bị tiêu chảy uống thuốc gì?
Vậy bé bị tiêu chảy nên uống gì để nhanh khỏi?
2.1. Bù nước – điện giải cho trẻ
Khi trẻ có phân loại mất nước, trẻ được điều trị theo phác đồ A không mất nước (tại nhà) và phác đồ B,C có mất nước (tại cơ sở y tế) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị tiêu chảy, cho trẻ bú thường xuyên và mỗi bữa cho trẻ bú lâu hơn. Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống thêm oresol hoặc nước đun sôi để nguội. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống thêm các loại nước sau: oresol, nước canh, nước cháo, nước cơm, nước đun sôi để nguội, không uống nước ngọt công nghiệp. Cho trẻ uống, ăn từng ngụm, thìa nhỏ. Nếu trẻ nôn thì ngừng 10 phút sau đó cho uống hoặc ăn lại.
Cho trẻ uống oresol giúp bù nước và điện giải khi bị tiêu chảy
2.2. Khi nào bé bị tiêu chảy cần dùng kháng sinh?
Không lạm dụng kháng sinh trong điều trị tiêu chảy, các trường hợp sử dụng kháng sinh như lỵ (phân có máu) hoặc nghi ngờ tả (phân đục như nước vo gạo, phân nhiều nước, trẻ mất nước nhanh, ở trong vùng dịch tễ lưu hành). Ngoài ra, trong những trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn khác khi sử dụng cần tham khảo lời khuyên từ cán bộ y tế có chuyên môn.
2.3. Bổ sung kẽm, vitamin, chất khoáng cho bé bị tiêu chảy
Bổ sung kẽm giúp làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng nước trong phân, số lần đi ngoài, tăng khả năng hồi phục…Ngoài ra, giúp cơ quan tiêu hóa phát triển, cải thiện khả năng hấp thụ và làm tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ.
Bổ sung vitamin A và các yếu tố vi lượng cho bé bị tiêu chảy. Nếu trong tháng qua trẻ chưa dùng, khi trẻ nhập viện và ngày hôm sau nên bổ sung cho trẻ 1 liều/lần mỗi ngày tuỳ theo độ tuổi.
2.4. Bổ sung các men vi sinh
Probiotics là một loại vi khuẩn tốt sống trong ruột. Chúng đã được chứng minh là có lợi đối với người bệnh tiêu chảy: làm giảm thời gian tiêu chảy, kìm hãm sự phát triển của những vi khuẩn có hại, tăng cường miễn dịch và nâng cao sức đề kháng, chống đầy bụng, khó tiêu. Có thể cho trẻ ăn sữa chua, sữa lên men… để bổ sung probiotics cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, một số men vi sinh còn giúp bổ sung lợi khuẩn để nâng cao hiệu quả thuốc kháng sinh và giảm thiểu tác dụng phụ trong quá trình điều trị bằng thuốc.
Cho trẻ bị tiêu chảy uống men vi sinh nhằm cung cấp vi khuẩn có lợi
2.5. Các thuốc kháng tiết đường ruột
Sử dụng các thuốc kháng tiết đường ruột là một trong cách điều trị hỗ trợ có hiệu quả bên cạnh bù nước và điện giải. Các thuốc này làm giảm tiết ở ruột, không ảnh hưởng đến nhu động đường tiêu hóa. Trong đó, racecadotril là một lựa chọn điều trị có giá trị trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em hiện nay. Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Việt Nam, sử dụng racecadotril với liều l,5mg/kg/lần x 3 lần/ngày ngay từ khi bắt đầu tiêu chảy và không dùng quá 7 ngày.
2.6. Các thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa
Sau khi đã bổ sung nước và điện giải, có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa trong điều trị tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài. Thuốc có tác dụng bao phủ và bảo vệ niêm mạc, ngăn ngừa các tác nhân gây tiêu chảy bám vào niêm mạc ống tiêu hóa. Nhờ đó, giúp cải thiện được khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy. Đồng thời thuốc còn hấp phụ các độc tố của vi khuẩn trong ruột. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ, cải thiện triệu chứng tiêu chảy mà không hỗ trợ điều trị tận gốc nguyên nhân. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ tiêu chảy nặng và kéo dài.
2.7. Khi bé bị tiêu chảy có nên dùng thuốc cầm tiêu chảy?
Không nên sử dụng thuốc cầm tiêu chảy trong điều trị tiêu chảy cấp. Vì những thuốc này cầm tiêu chảy giả tạo, làm cho trẻ mất khả năng đào thải tác nhân ra ngoài, làm bệnh trở nên nặng thêm. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài có thể sử dụng thuốc cầm tiêu chảy để tránh mất nước, điện giải.
Xem thêm: Smecta là thuốc gì? Công dụng, cách sử dụng và lưu ý khi dùng
3. Chế độ dinh dưỡng cho bé bị tiêu chảy
Chế độ ăn của bé bị tiêu chảy là vấn đề rất quan trọng để đề phòng bé bị sụt cân và suy dinh dưỡng. Cho trẻ tiếp tục ăn, khẩu phần ăn cần được duy trì và tăng dần lên là rất quan trọng trong điều trị đi ngoài phân lỏng ở trẻ. Khi trẻ được ăn đủ chất thì cân nặng và chức năng đường ruột sẽ được phục hồi nhanh chóng.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi còn đang bú mẹ, vẫn tiếp tục cho bé bú bình thường và tăng số lần bú. Với các bé trên 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ cần cho bé ăn thêm nhiều bữa phụ và từng ít một, các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, sữa…Cho bé ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ… để tăng lượng kali.
Trong giai đoạn này, thức ăn của bé cần được chế biến mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường. Để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm nên cho ăn ngay sau khi nấu, nếu phải cho bé ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn.
Đồng thời, trong chế độ ăn của bé cần tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) khó tiêu hóa. Các loại thức ăn có nhiều đường cũng không nên cho trẻ ăn vì những loại thức ăn này có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Không cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp, nước có ga vì có thể làm tăng tiêu chảy.
Tiếp tục duy trì và tăng cường cho trẻ bú mẹ khi trẻ bị tiêu chảy
4. Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ như thế nào?
Nuôi con bằng sữa mẹ: sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất giúp cho trẻ phát triển và không mắc tiêu chảy trong vài tuần đầu sau sinh. Trong sữa mẹ có kháng thể IgA vô khuẩn giúp phòng ngừa tiêu chảy. Vì vậy, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 18 – 24 tháng.
Cải thiện tập quán ăn bổ sung: thời kỳ bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung là thời kỳ dễ mắc tiêu chảy nhất do chế biến không vệ sinh, thức ăn không hợp với trẻ, không đủ chất dinh dưỡng…Vì vậy, cho trẻ ăn bổ sung sau 4 tháng với các loại thức ăn theo ô vuông thức ăn, thức ăn cần nghiền nhỏ ninh nhừ, cho trẻ ăn ngay sau khi chế biến thức ăn.
Sử dụng nguồn nước sạch: đường lây truyền bệnh tiêu chảy chủ yếu qua đường nước uống nhiễm bẩn, do đó cần sử dụng nước sạch trong chế biến thức ăn. Những nơi có trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nguồn phân được xử lý phải cách xa nguồn nước sinh hoạt.
Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng sẽ giúp trẻ ít có nguy cơ mắc tiêu chảy, nhất là mắc lỵ. Sử dụng hố xí hai ngăn hay hố xí tự hoại hợp vệ sinh và xử lý phân của trẻ tránh vi khuẩn gây tiêu chảy phát tán gây dịch.
Uống vắc xin phòng rota virus: nên cho trẻ uống vắc xin ngừa virus Rota từ 6 tuần tuổi và hoàn thành liệu trình trước 6 tháng tuổi để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gồm 2 liều hoặc 3 liều tùy theo loại vắc xin.
Tiêm phòng: Cho trẻ tiêm phòng sởi đúng tuổi là biện pháp đơn giản và hữu hiệu để phòng tiêu chảy, đặc biệt những trẻ mắc sởi hoặc đã mắc sởi trong vòng 1 tháng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy.
Tiêm vắc xin sởi giúp phòng tiêu chảy ở trẻ mắc sởi
Bệnh tiêu chảy ở trẻ cần được xử lý tích cực, ngay từ khi có dấu hiệu tiêu chảy, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ nước cho trẻ để phòng ngừa nguy cơ mất nước và chất điện giải. Kết hợp việc sử dụng thuốc đúng cách và một chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh, làm giảm thời gian và mức độ nặng của tiêu chảy, nguồn tại https://thaythuocvietnam.vn/. Vậy thông qua bài viết chúng ta đã giải đáp được cho câu hỏi Bé bị tiêu chảy uống thuốc gì để nhanh khỏi?
BS Chu Thị Thanh Hoài
Xem thêm: 5 nguyên tắc chăm sóc bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ tại nhà