Người lớn đi ngoài ra chất nhầy màu vàng – nguyên nhân và cách khắc phục
Sự hiện diện của chất nhầy trong đường tiêu hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại vi khuẩn, men tiêu hóa và acid nhằm duy trì môi trường ổn định trong ruột. Một lượng nhỏ chất nhầy trong phân là bình thường. Tuy nhiên, nếu đi ngoài phân nhầy nhiều tới mức có thể nhìn được bằng mắt thường, khi đó có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa hoặc tình trạng bệnh lý khác.
Nội dung bài viêt
1. Người lớn đi ngoài phân nhầy có phải là bất thường không?
Chất nhầy là một phần tự nhiên của cơ thể, thể chất dạng đặc giống như thạch. Cơ thể chủ yếu sử dụng chất nhầy để bảo vệ và bôi trơn các mô, cơ quan nhạy cảm. Nó có tác dụng làm giảm tác động gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm, hoặc bảo vệ đường tiêu hóa chống lại acid dạ dày, các chất kích thích có hại khác. Đặc biệt, nó cũng đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên, màng nhầy ở ruột già giúp đẩy phân xuống hậu môn và đào thải ra ngoài.
Khi cơ thể khỏe mạnh, chất nhầy thường trong suốt và xuất hiện với lượng rất nhỏ trong phân nên thường khó nhận thấy. Nhưng nếu quan sát thấy các dấu hiệu sau thì đó có thể là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn:
- Lượng chất nhầy tăng lên rõ rệt và đi ngoài ra chất nhầy màu vàng, trắng đục hoặc có máu.
- Đau thắt bụng, đầy hơi.
- Thay đổi đột ngột về số lần đi đại tiện, độ rắn chắc hoặc màu sắc của phân.
Đi ngoài ra phân nhầy có thể khiến bệnh nhân lo lắng, bất tiện khi đi vệ sinh
2. Nguyên nhân đi ngoài phân nhầy ở người lớn
Có hai nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng phân có nhầy, đó là mất nước và táo bón. Cả hai nguyên nhân này đều khiến chất nhầy trong ruột già bị đào thải ra ngoài theo phân nhiều hơn bình thường. Một số nguyên nhân cụ thể như sau:
2.1. Nguyên nhân đi ngoài phân nhầy vàng?
2.1.1. Tuyến tụy có vấn đề
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, có 2 chức năng chính là: Tiết ra enzym vào ruột non để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn (ngoại tiết); Tiết ra insulin và glucagon để điều chỉnh lượng đường trong máu (nội tiết).
Bình thường các enzym được tụy tiết ra ở dạng không hoạt động, khi đi vào trong ruột chúng mới được hoạt hóa thành dạng hoạt động. Tuy nhiên, khi các enzym tiêu hóa được hoạt hóa ngay trong lòng tụy thì chúng sẽ tấn công và làm tổn thương tuyến tụy, gây ra viêm tụy cấp.
Viêm tụy cấp có thể được hiểu đơn giản là tình trạng viêm và sưng của tuyến này. Khi tụy bị sưng gây chèn ép vào ống dẫn tụy và ống mật chủ, từ đó làm giảm lượng mật, enzym đổ vào ruột. Điều này dẫn tới không phân giải được thức ăn, đặc biệt là các chất béo và gây ra tình trạng người lớn đi ngoài ra chất nhầy màu vàng.
2.1.2. Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở phần niêm mạc đại tràng.
Trong thời gian bệnh bùng phát, màng nhầy của ruột già bị viêm nhiễm và hình thành các vết loét. Những vết loét này có thể gây chảy máu và tiết ra mủ, chất nhầy. Do vậy, chất nhầy ra ngoài theo phân nhiều hơn trong mỗi đợt viêm bùng phát.
Viêm loét đại tràng là một trong những nguyên nhân gây ra đi ngoài phân nhầy màu vàng
2.1.3. Tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng ruột bị tắc nghẽn cơ năng (ít gặp) hoặc cơ học (hay gặp hơn, ví dụ như: lòng ruột bị nút lại bởi búi giun, bã thức ăn; u ở ruột non, ruột già; xoắn ruột,…). Hậu quả là làm ngăn cản sự di chuyển bình thường của các sản phẩm tiêu hoá, khiến chúng bị tích tụ lại gây bít tắc, không đào thải ra ngoài cơ thể được.
Khi các sản phẩm tiêu hóa bị ứ lại trong ruột sẽ gây nên triệu chứng đầy hơi, dịch hơi trong lòng ruột, ổ bụng có dịch xuất tiết màu vàng. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lớn đi ngoài ra chất nhầy màu vàng.
2.2. Nguyên nhân đi ngoài phân nhầy trắng?
2.2.1. Nhiễm khuẩn ruột hoặc đường tiêu hóa
Nhiễm khuẩn đường ruột có thể dẫn tới đi ngoài ra chất nhầy. Tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra do tác động của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc do ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn có thể kích thích sản xuất chất nhầy, gây ra đi ngoài phân nhầy.
2.2.2. Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS)
Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng mạn tính, đặc trưng bởi triệu chứng co thắt, chướng bụng, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
Hội chứng này thường gây dư thừa chất nhầy màu trắng trong hệ tiêu hóa, thường gặp triệu chứng tiêu chảy phân nhầy màu trắng. Có thể việc nhu động ruột thay đổi khiến cho lượng chất nhầy được tiết ra nhiều hơn.
2.3. Nguyên nhân đi ngoài phân nhầy máu?
2.3.1. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư ở đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Ung thư đại tràng bắt đầu ở niêm mạc, lớp bên trong của thành ruột, có chứa các tế bào sản xuất chất nhầy được gọi là tế bào cốc. Những bệnh nhân này thường đi ngoài có phân nhầy lẫn máu.
2.3.2. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ (lòi dom) xảy ra khi các tĩnh mạch ở trực tràng hoặc hậu môn bị sưng, giãn. Các búi trĩ sưng to khiến bệnh nhân khó chịu, đau đớn và thường bị chảy máu khi đi vệ sinh. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh trĩ mà lượng nhầy tiết ra khác nhau.
2.3.3. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) là tình trạng viêm mạn tính đường ruột. Ở những người bị bệnh Crohn, lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa dày hơn, do đó cơ thể bài tiết dư thừa chất nhầy theo phân. Tuy nhiên, trong những đợt bệnh bùng phát nghiêm trọng, cơ thể sản xuất ít chất nhầy hơn, do đó đi đại tiện sẽ ít ra nhầy hơn.
Một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng trong phân có nhầy là
bệnh Crohn
3. Đi ngoài phân nhầy ở người lớn có nguy hiểm không?
Việc xuất hiện một chút chất nhầy trong phân thường không có gì đáng lo ngại, nhưng nếu đi kèm với các triệu chứng sau đây thì không nên chủ quan và hãy đi khám càng sớm càng tốt:
- Tiêu chảy kéo dài.
- Co thắt, đau bụng từng cơn.
- Đi ngoài ra máu.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào khác, nhưng nếu ở người lớn đi ngoài ra chất nhầy màu vàng, trắng đục hoặc lẫn máu thì có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần tới các cơ sở y tế nhằm thăm khám kịp thời.
4. Cần làm gì khi bị đi ngoài phân nhầy?
Với các trường hợp nhẹ như là mất nước hay táo bón, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học là hết sức cần thiết.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Ăn chậm nhai kỹ. Có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa để dễ hấp thu hơn.
- Sử dụng thực phẩm, thực phẩm bổ sung có chứa lợi khuẩn như sữa chua, chuối, súp miso, trà nấm thủy sâm (kombucha),…
- Tích cực ăn các loại rau xanh, bổ sung vitamin từ các loại củ và trái cây.
- Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, đồ uống có cồn,…
- Có chế độ tập thể dục, vận động nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng.
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với tập thể dục để nâng cao sức khỏe
Điều trị liên tục và sử dụng thuốc với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh Crohn, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích,… thì cần thăm khám, thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hạn chế tự điều trị tại nhà vì có thể sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.
Nhìn chung, đi ngoài phân nhầy ở người lớn là bình thường khi lượng chất nhầy rất nhỏ không quan sát được bằng mắt thường. Tùy thuộc vào các triệu chứng đi kèm, cũng như lượng chất nhầy trong phân, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bệnh lý nguy hiểm nguồn tại https://thaythuocvietnam.vn/
Lê Hải Ngân Hạnh