[Xem ngay] – Cách điều trị rối loạn nhận thức thần kinh
Rối loạn nhận thức thần kinh gây nên tình trạng hay quên hoặc thỉnh thoảng vụng về, và những cơn trầm cảm hoặc lo lắng ngắn trong thời gian căng thẳng. Biểu hiện phổ biến của bệnh là mất trí nhớ, khó giao tiếp, gặp khó khăn trong việc xử lý công việc hàng ngày dẫn đến thay đổi tính cách và có các triệu chứng về hành vi. Bài viết dưới đây đưa ra cách điều trị rối loạn nhận thức thần kinh giúp bạn khắc phục tình trạng này.
Nội dung bài viêt
1. Rối loạn nhận thức thần kinh là gì?
Rối loạn nhận thức thần kinh là một thuật ngữ mô tả tình trạng suy giảm chức năng tâm thần do một bệnh nội khoa không phải bệnh tâm thần gây nên. Bệnh liên quan nhiều đến trí nhớ tuy nhiên, trí nhớ chỉ là một phần trong nhận thức. Người mắc rối loạn này sẽ bị suy giảm về ghi nhớ, thay đổi hành vi và gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Suy giảm trí nhớ ở người bệnh rối loạn nhận thức thần kinh
Rối loạn nhận thức thần kinh được chia thành 3 loại chính: mê sảng, rối loạn nhận thức thần kinh nhẹ (giảm một số chức năng tâm thần, có thể độc lập và thực hiện các công việc hàng ngày), rối loạn nhận thức thần kinh nặng (giảm chức năng tâm thần, mất khả năng thực hiện các công việc hàng ngày hay còn gọi là mất trí nhớ).
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn nhận thức thần kinh: tổn thương não do chấn thương, oxy trong cơ thể thấp, rối loạn tim mạch, rối loạn chuyển hóa, các tình trạng liên quan đến thuốc và rượu, nhiễm khuẩn,…Trong đó, Alzheimer là nguyên nhân thường gặp nhất, tiếp đến là sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu.
Bệnh thường gặp chủ yếu ở người già: khoảng 2-10% người trên 65 tuổi và từ 5 – 25% ở người trên 85 tuổi. Ở người trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng bệnh này.
Rối loạn nhận thức thần kinh thường gặp ở người già
Xem thêm: Tổng quan về chứng rối loạn nhận thức
2. Các triệu chứng thường gặp trong rối loạn nhận thức thần kinh
Biểu hiện của rối loạn nhận thức thần kinh ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên và những ảnh hưởng đến nhiều phần khác nhau của não bộ.
Mê sảng được đặc trưng bởi sự rối loạn chú ý cùng với giảm nhận thức về môi trường. Rối loạn phát triển trong một khoảng thời gian ngắn, với biểu hiện khó duy trì, thay đổi hoặc tập trung chú ý. Một số người bệnh trải qua giai đoạn mê sảng sẽ bị gián đoạn nhận thức, lời nói không mạch lạc, ảo giác và hoang tưởng.
Rối loạn nhận thức thần kinh nặng: người bệnh suy giảm đáng kể về cả chức năng nhận thức tổng thể, khả năng đáp ứng độc lập các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, chăm sóc bản thân.
Rối loạn nhận thức thần kinh mức độ nhẹ: Sự suy giảm chức năng không lan rộng như trong chứng rối loạn nhận thức thần kinh nặng. Người bệnh không gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm:
- Mất tập trung, các chú ý phức tạp: cần nhiều thời gian để hoàn thành công việc hơn trước đây, gặp khó khăn khi phải suy nghĩ và xử lý thông tin trong cùng một lúc.
- Khó ghi nhớ và lú lẫn: hay quên sự kiện xảy ra gần đây. Đôi khi không nhớ đã trả tiền, thanh toán hóa đơn hay chưa.
- Về ngôn ngữ: người bệnh gặp khó khăn trong tìm từ ngữ, câu nói lộn xộn, không đúng cấu trúc.
- Về vận động tri giác: khả năng định vị về không gian bị hạn chế, cần bản đồ hoặc ghi chú, mất nhiều thời gian khi tìm đường.
- Có sự thay đổi về khí sắc cảm xúc: người bệnh hay rơi vào trạng thái trầm buồn, thờ ơ, lo lắng hoặc đôi khi lại rất vui vẻ, phấn chấn, tăng kích động. Thường gặp rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ nhiều hoặc rối loạn nhịp sinh học.
Tình trạng mất ngủ ở người bệnh rối loạn nhận thức thần kinh
- Đôi khi rối loạn nhận thức thần kinh cũng có thể làm giảm khả năng vận động.
Xem thêm: Chứng rối loạn nhận thức sau tai biến – Những điều cần biết
3. Cách điều trị rối loạn nhận thức thần kinh
Hiện nay có các cách điều trị rối loạn nhận thức thần kinh để cải thiện các triệu chứng hoặc ngăn ngừa làm chậm diễn tiến bệnh thường áp dụng như sau:
- Sử dụng thuốc giúp làm chậm quá trình mất trí nhớ/các triệu chứng hành vi đều có sẵn và có thể giúp điều trị bệnh như thuốc tăng cường trí nhớ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần,…Tuy nhiên các thuốc này đều có các tác dụng phụ do đó cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Trị liệu tâm lý, hỗ trợ tâm lý xã hội: sự quan tâm, chia sẻ của người thân, những người xung quanh, nhân viên y tế và các nhóm hỗ trợ đối với người bệnh giúp họ tránh khỏi những lo lắng và hạn chế những cảm xúc tiêu cực.
Hỗ trợ tâm lý xã hội giúp người bệnh yên tâm hơn
- Kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục và các hoạt động lành mạnh khác thường xuyên có thể ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức hoặc làm chậm sự suy giảm nhận thức. Một lựa chọn tốt cho trí não là chế độ ăn ít chất béo, giàu trái cây và rau quả.
- Hỗ trợ gia đình và người chăm sóc: bệnh nhân và gia đình cần được hỗ trợ để hiểu rõ và quản lý đúng đắn chứng rối loạn, duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Có trường hợp người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, đúng đắn. Phần lớn, các loại rối loạn nhận thức thần kinh khó điều trị khỏi, có thể là vĩnh viễn, thậm chí trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Vì vậy, đối với những người mắc bệnh này, việc điều trị rất quan trọng giúp kiểm soát các triệu chứng hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
BS Chu Thị Thanh Hoài
Xem thêm các thông tin khác trên trang thaythuocvietnam.vn