Cần làm gì khi được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ?

Sa sút trí tuệ là hội chứng thường gặp ở người cao tuổi hoặc những người bị chấn thương liên quan đến sự suy giảm liên tục chức năng não. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng nhưng nó có thể gây ra một số rắc rối không nhỏ cho đời sống hàng ngày của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách cần phải làm gì khi được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ.

1. Khi nào thì được chẩn đoán là sa sút trí tuệ?

Sa sút trí tuệ hay còn gọi là rối loạn nhận thức thần kinh, gồm các triệu chứng gây ra các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ, lý luận, định hướng, khả năng phán đoán và ngôn ngữ. 

Khi các phần của não bộ thực hiện những nhiệm vụ dành cho việc học tập, ra quyết định, ghi nhớ và ngôn ngữ bị ảnh hưởng sẽ gây nên hội chứng này.

Các cơ quan y tế đưa ra các tiêu chí để chẩn đoán sa sút trí tuệ bao gồm các triệu chứng lâm sàng kết hợp xét nghiệm cần thiết. 

Suy giảm trí nhớ: giảm khả năng tiếp nhận các thông tin mới và khả năng nhớ lại các kiến thức đã học trước kia. Một số bệnh nhân có hiện tượng bịa chuyện.

Suy giảm các hoạt động nhận thức: giảm khả năng tư duy trừu tượng, tính toán, quyết định, khả năng phối hợp, theo dõi và đặc biệt thực hiện các hoạt động phức tạp. 

Triệu chứng suy giảm trí nhớ ở người bệnh sa sút trí tuệ

Các triệu chứng khác của sa sút trí tuệ: dễ bị kích thích, trầm cảm; các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác); các rối loạn hành vi (các hành vi cứng nhắc, kích động, đi lang thang); các biến đổi về nhân cách, cơn động kinh, có rối loạn định hướng về thời gian, không gian địa lý,…

Xem thêm: Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

2. Cần làm gì khi được chẩn đoán là sa sút trí tuệ?

2.1. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn

Người bệnh sa sút trí tuệ được học các hành vi ứng phó với các triệu chứng kể trên và các vấn đề liên quan. Các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm mục đích để ngăn ngừa các tai nạn, kiểm soát các hành vi và có kế hoạch cho sự tiến triển của bệnh.

Nếu bệnh nhân có nhiều khiếm khuyết và môi trường sống không thay đổi, có thể cần đến các biện pháp bảo vệ. Một số đồ vật như dao, kéo, đồ vật sắc nhọn,…dễ gây thương tích, đe dọa đến an toàn của người bệnh nên được cất giấu kĩ. Có thể lắp đặt hệ thống giám sát tín hiệu, đặc biệt cần thiết với người bệnh hay đi lang thang.

2.2. Các biện pháp tác động môi trường

Môi trường sống ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, do đó giảm tiếng ồn và sự xáo trộn có thể giúp người bệnh tập trung và hoạt động dễ dàng hơn. Người bệnh nên tích cực giao tiếp bằng cách thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với người thân, bạn bè xung quanh. Cố gắng sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện.

Áp dụng biện pháp giảm tiếng ồn đối với người bệnh sa sút trí tuệ

Môi trường nên được thiết kế đủ ánh sáng, vui vẻ, quen thuộc, duy trì các hoạt động thường xuyên, ít căng thẳng để giúp duy trì cảm giác tự chủ.  Những thay đổi trong môi trường xung quanh, thói quen, hoặc con người nên được giải thích cho bệnh nhân một cách chính xác và đơn giản. 

Xem thêm: Dấu hiệu suy giảm trí nhớ và cách điều trị

2.3. Hỗ trợ cho người chăm sóc

Người chăm sóc là các thành viên trong gia đình gần gũi nhất, có trách nhiệm chăm sóc một bệnh nhân bị sa sút trí tuệ. Điều dưỡng hay nhân viên y tế có thể hướng dẫn cho họ làm thế nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bệnh nhân. Cần hỗ trợ cho người chăm sóc để giải quyết vấn đề chăm sóc hàng ngày và giải quyết các vấn đề về tài chính. Quá trình hỗ trợ, giảng dạy cần liên tục. Ngoài ra, có nhiều nguồn lực khác như các nhóm hỗ trợ, tài liệu giáo dục, chuyên gia dinh dưỡng.

Nhiều khi, người chăm sóc có thể rơi vào trạng thái căng thẳng đáng kể vì phải làm nhiều để chăm sóc cho một ai đó. Stress về việc bảo vệ bệnh nhân và bởi sự thất vọng, kiệt sức, tức giận và bực bội. Nhân viên y tế nên theo dõi các triệu chứng sớm của stress ở người chăm sóc để đề xuất các dịch vụ hỗ trợ khi cần thiết. Các bác sĩ và nhân viên y tế khác cần đáp ứng nhu cầu tâm lý của các thành viên trong gia đình và cung cấp những tư vấn thích hợp.

2.4. Các biện pháp sử dụng thuốc

Tùy từng trường hợp, để giúp cải thiện các triệu chứng sa sút trí tuệ bác sĩ có thể kê đơn có người bệnh sử dụng một số loại thuốc sau:

– Thuốc kháng cholinesterase: Rivastigmine (Exelon), Donepezil (Aricept) và Galantamine (Razadyne). Nhóm thuốc này làm gia tăng mức độ của một chất truyền tin hóa học liên quan tới khả năng phán đoán và trí nhớ. Các tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Một số tác dụng phụ khác cũng có thể xảy ra  như nhịp tim chậm, rối loạn giấc ngủ.

– Memantine (Namenda): Đây là một chất truyền tin hóa học khác cũng có liên quan tới các chức năng của não, đặc biệt là học tập và trí nhớ. Trong một số trường hợp, Memantine được dùng với thuốc ức chế men cholinesterase. 

Thuốc kháng cholinesterase giúp cải thiện các triệu chứng sa sút trí tuệ

– Các loại thuốc khác: Một số tình trạng khác đi kèm trong một số trường hợp như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, ảo giác, kích động,…căn cứ vào từng trường hợp cụ thể sẽ được bác sĩ tư vấn dùng các loại thuốc phù hợp.

Xem thêm: Phương pháp điều trị chứng ảo tưởng ở người sa sút trí tuệ

2.5. Chuẩn bị cho việc chăm sóc cuối đời

Ở giai đoạn sớm, khi bệnh nhân còn đủ nhận biết cần làm rõ mong muốn, nguyện vọng của họ về chăm sóc, các vấn đề liên quan đến tài chính, pháp lý. Cần đưa ra các quyết định chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị các rối loạn cấp tính xảy ra.

Ở giai đoạn muộn, thực hiện các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giúp làm giảm các triệu chứng gây khó chịu về thể chất, tinh thần và xã hội. 

BS Chu Thị Thanh Hoài

Xem thêm các thông tin khác trên trang thaythuocvietnam.vn

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận