Phân biệt Sa sút trí tuệ và Alzheimer

Sa sút trí tuệ và Alzheimer là hai thuật ngữ chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi gây nên chứng suy giảm trí nhớ. Phân biệt sa sút trí tuệ và Alzheimer là rất quan trọng, có thể giúp người bệnh, gia đình hoặc người chăm sóc có kiến thức cần thiết trong việc phát hiện và điều trị sớm hai chứng bệnh trên.

1. Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, khả năng suy nghĩ và khả năng giao tiếp xã hội làm cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn. Sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Nó gây ra bởi tổn thương các tế bào não ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và cảm xúc.

Do cùng có chung đặc điểm làm suy giảm trí nhớ và nhận thức người bệnh nên nhiều người thường khó phân biệt sa sút trí tuệ và Alzheimer.

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Xem thêm: Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi và những điều cần biết

2. Bệnh Alzheimer là gì?

Alzheimer là một bệnh thoái hóa não gây ra bởi những thay đổi phức tạp của não sau tổn thương tế bào. Nó dẫn đến các triệu chứng sa sút trí tuệ dần dần trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Triệu chứng ban đầu phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là khó ghi nhớ thông tin mới vì căn bệnh này thường ảnh hưởng đến phần não liên quan đến khả năng tiếp nhận và lưu trữ thông tin.

Bệnh Alzheimer ở người cao tuổi

Khi bệnh Alzheimer tiến triển, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và bao gồm mất phương hướng, lú lẫn và thay đổi hành vi. Cuối cùng, việc nói, nuốt và đi lại trở nên khó khăn.

Xem thêm: Chứng rối loạn trí nhớ – Những điều cần biết

3. Sự khác nhau giữa sa sút trí tuệ và Alzheimer

Phân biệt sa sút trí tuệ và Alzheimer chủ yếu dựa vào nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và tiên lượng bệnh.

3.1. Sự khác biệt về nguyên nhân gây sa sút trí tuệ và Alzheimer

* Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là do tổn thương các tế bào não. Tổn thương này cản trở khả năng giao tiếp của các tế bào não với nhau. Khi các tế bào não không thể giao tiếp bình thường, suy nghĩ, hành vi và cảm xúc có thể bị ảnh hưởng.

Một số nguyên nhân chủ yếu gây nên sa sút trí tuệ:

  • Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch
  • Vấn đề về trao đổi chất và rối loạn chuyển hóa
  • Thiếu hụt các chất dinh dưỡng như B1, B6, B12, Vitamin E…
  • Chấn thương ở não: tụ máu dưới màng cứng

Chấn thương vùng đầu là một trong những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Một số các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh:

  • Tuổi cao: Nguy cơ tăng lên khi bạn già đi, đặc biệt là sau 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình có người mắc sa sút trí tuệ
  • Người mắc hội chứng Down

* Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer:

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer ở ​​hầu hết mọi người. Tuy nhiên một số các yếu tố nguy cơ đã được chứng minh gây ra bệnh Alzheimer:

  • Tuổi cao: yếu tố nguy cơ quan trọng nhất được biết đến đối với căn bệnh này. Số người mắc bệnh Alzheimer tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm trên 65 tuổi. Khoảng một phần ba số người từ 85 tuổi trở lên có thể mắc bệnh Alzheimer.
  • Một chế độ ăn uống bổ dưỡng, hoạt động thể chất, tham gia các hoạt động xã hội, giấc ngủ và các hoạt động kích thích tinh thần đều có liên quan đến việc tăng cường sức khỏe khi về già. Những yếu tố này không được tuân thủ cũng góp phần làm gây Alzheimer.
  • Di truyền cũng là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh.

3.2. Các dấu hiệu của sa sút trí tuệ và Alzheimer

Các đặc điểm dưới đây có thể giúp bạn nhận biết các dấu hiệu triệu chứng của bệnh, qua đó giúp phân biệt sa sút trí tuệ và Alzheimer:

Đặc điểm Alzheimer Sa sút trí tuệ
Dấu hiệu chung Suy giảm trí nhớ (suy giảm trí nhớ ngắn hạn, mất trí nhớ)

Suy giảm khả năng tập trung (khó suy luận và giải quyết vấn đề)

Suy giảm khả năng giao tiếp (khó giao tiếp và tìm từ)

Dấu hiệu riêng Các dấu hiệu của trầm cảm (thờ ơ, lãnh cảm), thay đổi hành vi Các biểu hiện có thể giống như Alzheimer, tuy nhiên người bệnh có thêm ảo giác, ảo thị, kích động, hoang tưởng, rối loạn giấc ngủ và suy giảm trí tuệ

Xem thêm: Điều trị và chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ

3.3. Điều trị sa sút trí tuệ và Alzheimer

* Điều trị sa sút trí tuệ:

Điều trị sa sút trí tuệ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đây là điểm phân biệt sa sút trí tuệ và Alzheimer trong quá trình điều trị. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Sa sút trí tuệ do các bệnh nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa và thiếu hụt vitamin có khả năng cao đáp ứng với điều trị bằng biện pháp chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường bổ sung vitamin nhóm B.

Cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin B cho người sa sút trí tuệ

Một lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và duy trì các mối quan hệ xã hội, làm giảm khả năng phát triển các bệnh mãn tính và có thể làm giảm số người mắc chứng mất trí nhớ.

* Điều trị Alzheimer:

Hiện tại không có cách chữa trị chứng mất trí nhớ. Nhưng có những loại thuốc và phương pháp điều trị khác có thể giúp giảm các triệu chứng Alzheimer như:

  • Thuốc ức chế acetylcholinesterase như Donepezil (còn được gọi là Aricept), rivastigmine (Exelon) và galantamine (Reminyl)
  • Thuốc chống loạn thần trong trường hợp bệnh nhân rối loạn hành vi
  • Thuốc chống trầm cảm: cải thiện các triệu chứng trầm cảm
  • Thuốc an thần nếu bệnh nhân mất ngủ

Lưu ý: việc sử dụng các thuốc và các phương pháp trị liệu tuyệt đối theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

3.4. Tiên lượng chứng sa sút trí tuệ và Alzheimer

Sự khác nhau giữa sa sút trí tuệ và Alzheimer còn phụ thuộc vào tiên lượng bệnh.

Tiên lượng chứng sa sút trí tuệ phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, nguyên nhân gây sa sút trí tuệ và giai đoạn khi được chẩn đoán.

Tiên lượng sa sút trí tuệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Các giai đoạn tuổi thọ của sa sút trí tuệ:

Giai đoạn Tuổi thọ dự kiến
Giai đoạn 1: Suy giảm nhận thức rất nhẹ Hơn 10 năm
Giai đoạn 2: Suy giảm nhận thức nhẹ 10 năm
Giai đoạn 3: Suy giảm nhận thức vừa phải 3 đến 8 năm
Giai đoạn 4: Suy giảm nhận thức nghiêm trọng vừa phải 1,5 đến 6,5 năm
Giai đoạn 5: Suy giảm nhận thức nghiêm trọng 4 năm hoặc ít hơn

Đối với Alzheimer tuổi thọ trung bình sau khi được chẩn đoán đối với người mắc bệnh Alzheimer, dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất là 10 năm, tuy nhiên cũng có trường hợp sống được 20 năm. Càng lớn tuổi khi được chẩn đoán thì tiên lượng càng thấp và chỉ thường kéo dài vài năm.

Sa sút trí tuệ và Alzheimer đều gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình và xã hội khi ảnh hưởng hầu hết đến khả năng sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên đây là hai chứng bệnh khác nhau. Vì vậy tìm hiểu sớm các dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị bệnh là cần thiết trong việc phát hiện sớm và quản lý các triệu chứng tốt hơn.

BS Nguyễn Thị Thu Hiền

Xem thêm: So sánh rối loạn nhận thức và sa sút trí tuệ

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận