Đề phòng viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi

Mỗi khi hè về, số bệnh nhi bị mắc các bệnh về tai mũi họng như viêm họng, viêm mũi, viêm tai… do đi bơi lại tăng lên. Làm thế nào để phòng viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi? Đó là vấn đề mà các ông bố bà mẹ rất quan tâm hiện nay.

Bơi lội là một hoạt động ngoại khóa ưa thích của trẻ. Nhu cầu đi bơi tăng cao trong những ngày nắng nóng. Đằng sau đó là tiềm ẩn mối nguy cơ viêm tai giữa khi đi bơi cho trẻ. Cùng tìm hiểu cách đề phòng trẻ bị viêm tai giữa khi đi bơi dưới đây.

1. Nguy cơ bị viêm tai giữa khi cho trẻ đi bơi

Bơi lội là một hoạt động ngoại khóa ưa thích của trẻ
Bơi lội là một hoạt động ngoại khóa ưa thích của trẻ (Ảnh internet)

Bơi lội mang lại rất nhiều lợi ích to lớn đối với trẻ, có thể kể đến như:

  • Tăng chiều cao, phát triển cơ thể toàn diện cho trẻ
  • Tăng cường kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ
  • Giúp trẻ thư giãn, xả tress.
  • Giúp trẻ giải nhiệt chống nóng trong mùa hè
  • Tập luyện thường xuyên giúp giảm cân đối với trẻ thừa cân béo phì

Tuy nhiên, nguy cơ trẻ bị viêm tai giữa khi đi bơi rất cao. Nguyên nhân do nguồn nước bể bơi không đảm bảm vệ sinh. Hoặc có chứa hóa chất gây ảnh hưởng xấu tới hệ tai mũi họng của trẻ. Hoặc cho trẻ bơi ở những vùng nước bẩn như ở sông ngòi, ao hồ tù đọng. Khi đó, nước nhiễm các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm.. vào tai trẻ sẽ trẻ gây bệnh cho trẻ.

Thông thường, khi vào tai nước sẽ tự chảy ra ngoài. Nhưng đôi khi nước đọng lại khiến tai bị ẩm ướt. Khi đó vi khuẩn và nấm phát triển sẽ dẫn đến viêm tai giữa. Đặc biệt ở trẻ có tiền sử viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Khi bị viêm tai giữa, trẻ sẽ có các triệu chứng như đau tai, chảy dịch tai, nghe kém…Có thể kèm theo sốt nhẹ hoặc không.

Viêm tai giữa nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn tới thủng màng nhĩ, viêm tai xương chũm… Lâu dài gây ảnh hưởng tới thính lực và sự phát triển của trẻ.

2. Cách phòng viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi

Đừng nên để trẻ bị bệnh rồi mới lo điều trị! Trước tiên các cha mẹ cần biết cách phòng viêm tai giữa cho trẻ. Làm thế nào để phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ sau khi đi bơi? Để trả lời cho câu hỏi này, các phụ huynh lưu ý thực hiện các vấn đề sau:

2.1 Lựa chọn địa điểm bơi an toàn sạch sẽ cho con

Không nên cho trẻ bơi ở vùng nước ô nhiễm
Không nên cho trẻ bơi ở vùng nước ô nhiễm (Ảnh internet)

Nên cho trẻ bơi ở những bể bơi uy tín. Đảm bảo nguồn nước luôn được khử trùng vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời, không chứa nhiều hóa chất độc hại cho hệ hô hấp của trẻ. Không nên cho trẻ bơi ở sông, hồ tù đọng, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm.

2.2 Vệ sinh tai trẻ đúng cách sau khi bơi

Ngoáy sâu vào tai trẻ có thể gây thủng màng nhĩ
Ngoáy sâu vào tai trẻ có thể gây thủng màng nhĩ (Ảnh internet)

– Mục đích: Nhằm giữ vệ sinh tai trẻ sạch sẽ, tránh tác nhân gây bệnh xâm nhập

– Cách làm:

  • Sau khi trẻ bơi xong, cha mẹ tắm lại cho trẻ bằng nước sạch. Nếu có nước vào tai, cho trẻ nghiêng đầu sang 1 bên dốc nước trong tai ra. Có thể dùng máy sấy bật chế độ nhẹ hong khô tai cho trẻ.
  • Không dùng các dụng cụ không đảm bảo vệ sinh để ngoáy tai cho trẻ. Có thể lấy que tăm bông đặt nhẹ ở ống tai ngoài một lúc để hút nước trong tai ra. Không ngoáy sâu vào tai của trẻ tránh đẩy bụi bẩn và tác nhân gây bệnh vào sâu hơn.
  • Vệ sinh mắt, mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Bởi vì tác nhân viêm mũi họng có thể lan sang tai trẻ gây viêm tai giữa.

2.3 Điều trị viêm tai giữa kịp thời, đúng cách, dứt điểm

Bệnh viêm tai giữa là một bệnh lý đơn giản dễ điều trị. Tuy nhiên có nhiều trẻ bị mắc đi mắc lại bệnh nhiều lần.

Do vậy, khi phát hiện trẻ bị viêm tai giữa, nên cho trẻ đi khám các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng và điều trị theo đơn của bác sỹ. Điều này giúp trị dứt điểm bệnh cho trẻ và hạn chế các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Nếu trẻ cần điều trị kháng sinh, phải cho trẻ uống đủ liều lượng đủ thời gian. Không tự ý nhỏ các chế phẩm không rõ nguồn gốc vào tai trẻ. Không dùng các dụng cụ ngoáy sâu vào tai trẻ tránh làm tổn thương thêm.

Bên cạnh đó, khi trẻ mắc các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm mũi, viêm họng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để điều trị khỏi các bệnh lý này. Vì đó có thể là nguồn lây nhiễm sang tai gây viêm tai giữa cho trẻ tái đi tái lại nhiều lần.

2.4 Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi đi bơi

Sử dụng nút tai khi bơi đề phòng nước vào tai
Sử dụng nút tai khi bơi đề phòng nước vào tai (Ảnh internet)

Cha mẹ có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sau cho trẻ để phòng viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi:

  • Cho trẻ đội mũ, đeo nút bịt tai khi đi bơi để bảo vệ tai
  • Đeo kính bơi cho trẻ để bảo vệ mắt.
  • Trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế nước lọt vào mũi họng.
  • Lưu ý: Không dùng chung nút tai, kính bơi với các trẻ khác.

Các biện pháp này có thể hạn chế phần nào tác nhân vi sinh vật xâm nhập vào tai trẻ gây bệnh. Các cha mẹ nên mua cho trẻ các dụng cụ hỗ trợ bơi này ở các cửa hàng uy tín để đảm báo chất lượng nhé.

Có thể nói, bơi lội luôn được xem là một hoạt động hè mà các em thiếu nhi thích nhất. Để giúp trẻ có được một mùa hè thật vui khỏe, phụ huynh cần tạo cho trẻ một môi trường bơi lội trong lành và an toàn. Chỉ cần thực hiện các lưu ý trên khi đưa trẻ đi bơi, cha mẹ đã đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe toàn diện mà không lo trẻ bị mắc bệnh viêm tai giữa.

BS Huyền Hương

Hội Bác sỹ trẻ – Đại học Y Hà Nội

 

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận